Nấc cụt là hiện tượng sinh lý hết sức bình thường ở trẻ sơ sinh. Tuy không ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của bé nhưng nếu mẹ biết một số mẹo chữa trẻ sơ sinh bị nấc cụt sẽ giúp bé thấy thoải mái hơn rất nhiều.
Nấc cụt là hiện tượng gì?
Nấc cụt là hiện tượng xuất hiện những cơn co thắt bất ngờ không thể tự chủ từ cơ hoành, các cơn này bị ngắt quãng liên tục và lặp đi lặp lại. nhiều lần. Chữa nấc cụt cho người lớn khá đơn giản, nhưng ở trẻ sơ sinh thì cần cẩn thận hơn vì cơ thể của bé còn khá non nớt. Ba mẹ cần chú ý tránh các động tác quá mạnh tay hoặc dùng các biện pháp không phù hợp như cho bé uống nhiều nước… Vậy đâu là nguyên nhân và cách chữa khi trẻ sơ sinh bị nấc cụt.
Nguyên nhân trẻ sơ sinh bị nấc cụt
Đây là hiện tượng thường thấy ở trẻ sơ sinh, còn có những trường hợp bé nấc cụt từ khi còn ở trong bụng mẹ. Tuy nhiên, nhiều bậc cha mẹ đôi khi còn chưa nắm rõ tại sao trẻ sơ sinh bị nấc cụt. Có những nguyên nhân cụ thể như sau:
Trào ngược dạ dày thực quản
Trào ngược dạ dày thực quản là tình trạng thức ăn đi ngược từ dạ dày lên thực quản. Trào ngược xảy ra khi trẻ sơ sinh có cơ vòng thực quản dưới phát triển chưa hoàn thiện. Cơ vòng thực quản dưới nằm giữa thực quản và dạ dày, ngăn thức ăn từ dạ dày di chuyển ngược lên thực quản. Sự trào ngược thức ăn và axit trong dạ dày tác động lên các tế bào thần kinh, làm rung cơ hoành và dẫn đến nấc cụt.
Cho con bú quá no
Việc bé bú quá no có thể làm cho dạ dày to và giãn ra. Sự giãn nở đột ngột của khoang bụng làm co thắt cơ hoành khiến bé dễ bị nấc cụt.
Nuốt nhiều khí vào bụng
Nếu con bú bình, bé có thể nuốt không khí quá nhiều vì sữa trong bình chảy nhanh hơn so với bú mẹ. Bé nuốt quá nhiều không khí cũng khiến dạ dày to và giãn ra. Việc cho bé bú bằng bình quá no có thể khiến trẻ dễ bị nấc cụt và dễ nổi cáu.
Dị ứng
Bé có thể bị dị ứng với thành phần trong sữa công thức hoặc thậm chí là sữa mẹ, từ đó gây nên tình trạng viêm thực quản mà nấc cụt là một trong những biểu hiện của bệnh lý này. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp bé bú mẹ cũng có thể bị dị ứng với những thực phẩm mà mẹ tiêu thụ.
Hen suyễn
Trẻ bị hen suyễn có thể bắt nguồn từ yếu tố di truyền trong gia đình (cha hoặc mẹ mắc bệnh hay cả hai), bị dị ứng với những tác nhân từ môi trường ngoài như ô nhiễm không khí, khói thuốc lá, lông động vật … thậm chí là do mắc các bệnh về nhiễm trùng đường hô hấp.
Một khi cơn hen khởi phát, các ống phế quản phổi sẽ bị viêm làm hạn chế luồng không khí đi vào phổi. Điều này khiến bé thở khò khè (giống như tiếng huýt sáo). Lúc này, cơ hoàn của trẻ cũng bị co thắt dẫn đến việc bé bị nấc cụt.
Hít phải khí ô nhiễm
Hệ hô hấp của trẻ sơ sinh phát triển chưa hoàn chỉnh. Khi hít phải khói, mùi ô nhiễm hay mùi quá gắt, bé sẽ dễ bị ho hơn. Việc bé ho quá nhiều khiến cơ hoành bị tổn thương sẽ dẫn đến nấc.
Giảm nhiệt độ cơ thể
Đôi khi sự giảm nhiệt độ có thể làm các cơ của bé co lại, trong đó có cơ hoành. Điều này làm bé nấc cụt. Nếu thấy bé xuất hiện tình trạng này, bạn không nên lo lắng quá. Lúc này, bạn cần bình tĩnh và hiểu rõ nguyên nhân để giải quyết những cơn nấc này.
Đừng quên ghi lại thời gian mà bé hay nấc. Điều này sẽ rất hữu ích khi bạn đưa bé đến bác sĩ khám.
Cách chữa trẻ sơ sinh bị nấc cụt
Để bé không bị khó chịu cũng như mẹ bớt lo thì gia đình có thể áp dụng ngay cách làm bên dưới. Tuy nhiên mẹ cần lưu ý rằng không nên để bé quá đói rồi mới cho ăn, đồng thời cũng tránh để bé bú quá no. Sau khi ăn, bế trẻ giữ cao đầu trong khoảng 10 phút.
– Dùng hai ngón tay trỏ nhét vào lỗ tai bé khoảng nửa phút, hoặc dùng 2 ngón tay bóp nhẹ 2 cánh mũi bé, đồng thời giữ miệng bé khép lại trong 2-3 giây. Lặp lại trong 15-20 lần, khoảng cách giữa mỗi lần khoảng 3 giây.
– Thay đổi tư thế cho con bú. Nếu thấy bé thường xuyên có dấu hiệu nấc sau khi ăn xong thì mẹ nên đổi tay hoặc đổi cách bế để hạn chế không khí vào miệng và dạ dày bé. Vỗ nhẹ lưng hoặc vai của bé, một cách nhẹ nhàng và dứt khoát. Khi ợ hơi ra được thì bé sẽ hết nấc.
– Ba mẹ cho bé uống từng hớp nước nhỏ để dừng cơn nấc, khoảng 2,5ml là đủ.
– Nếu bé đang ở độ tuổi ăn dặm thì mẹ có thể cho một ít đường vào lưỡi bé. Vị ngọt của đường sẽ góp phần ngăn chặn tình trạng co thắt cơ hoành.
– Tránh dùng núm vú quá lớn vì đây có thể là nguyên nhân làm bé nuốt nhiều không khí khi bú.
Ngăn ngừa trẻ sơ sinh bị nấc cụt
Nấc cụt không chỉ khiến bé khó chịu mà còn ảnh hưởng đến quá trình ăn/uống sữa của mẹ. Vì vậy, mẹ nên áp dụng những biện pháp dưới đây để đề phòng tình trạng nấc cụt xảy ra đối với con yêu:
– Mẹ cần giữ nhiệt độ không khí trong phòng bé được ổn định, tránh để bé bị lạnh. Mẹ có thể choàng thêm 1 chiếc khăn xô vào cổ cho bé để tránh gió. Khép bớt các cửa sổ để tránh gió lạnh thổi trực tiếp vào người bé.
– Có thể cho bé ngậm kẹo gừng nếu bé có thể ngậm được, hoặc bôi chút dầu gió vào vùng cổ tay, gáy, 2 dái tai bé.
– Lưu ý khi tắm cho bé không để nhiệt độ nước tắm quá chênh lệch với nhiệt độ phòng. Mùa đông lạnh thì cần bật quạt sưởi để phòng ấm hơn.
– Để phòng ngừa nấc cụt, mẹ không nên cho bé ăn khi bé quá đói cũng không nên cho bé ăn hoặc bú quá no. Khi cho bú bằng bình cần chú ý không để trẻ bú quá nhanh khiến dạ dày bị giãn hơi. Sau khi cho bé ăn nên bế cao đầu khoảng 10 phút.
Trẻ sơ sinh bị nấc: Khi nào cần khám bác sĩ?
Trẻ bị nấc kèm theo những biểu hiện dưới đây mẹ nên cho con đi khám để xem xét và khắc phục một số vấn đề tiêu hóa của bé:
- Trẻ nấc nhiều và liên tục kèm theo nôn dồn dập mà không thể kìm hãm được.
- Trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản: Khi trẻ bị nấc kinh niên, ợ hơi ra chất lỏng, trẻ cáu kỉnh, cong lưng vài phút sau khi ăn.
- Trẻ nấc cả khi ngủ hoặc bú cũng cần cho con đi khám.
Nấc cụt ở trẻ nhỏ không quá nguy hiểm nếu các mẹ biết cách khắc phục. Nấc ở trẻ sơ sinh là phản ứng hết sức bình thường nhưng cũng không được chủ quan. Nếu thấy trẻ bị nấc và có những biểu hiện đi kèm thì nên cho con đi khám là yên tâm nhất.