Trẻ sơ sinh thường hay có cặn sữa màu trắng bám trên lưỡi nếu không làm sạch khiến bé khó chịu và lười bú. Vì vậy, mẹ cần vệ sinh miệng cho bé bằng cách rơ lưỡi thường xuyên để giữ miệng bé sạch sẽ, giúp bé bú tốt hơn và ngăn ngừa các bệnh nấm lưỡi, tưa lưỡi.
Tuy vậy không phải ai cũng biết rơ lưỡi cho trẻ sơ sinh đúng cách, không chỉ không có tác dụng làm sạch mà còn gây nguy hiểm cho trẻ.
Tại sao cần rơ lưỡi cho bé?
Thức ăn chủ yếu của trẻ sơ sinh là các loại sữa, có thể là sữa mẹ, sữa ngoài hoặc các chế phẩm từ sữa. Loại thực phẩm này dễ khiến trên lưỡi của các bé bám cặn, màu sắc của cặn tùy theo loại sữa và cơ địa của các bé. Những cặn này khiến khoang miệng của các bé không được sạch sẽ và dễ tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn và nấm phát triển.
Việc không làm sạch những cặn bám trên lưỡi hoàn toàn có thể khiến tỷ lệ mắc nấm miệng và nhiễm vi khuẩn tăng lên với bé yêu. Bên cạnh đó, những cặn bám này sẽ khiến trẻ khó chịu và cảm giác nhạt miệng, chua miệng ảnh hưởng tới việc bú sữa của trẻ. Những trẻ em bị bám cặn nhiều trên mặt lưỡi thường lười bú hơn, hơi thở cũng sẽ có mùi khó chịu hơn rất nhiều.
Cặn sữa bám trên lưỡi của bé – Ảnh minh họa: Internet
Rơ lưỡi cho trẻ sơ sinh ngày mấy lần?
Tùy vào lứa tuổi và việc bạn cho bé dùng những loại thức ăn nào mà sẽ có mức độ vệ sinh lưỡi cho bé riêng. Vì những loại sữa khác nhau, hoặc chế độ ăn khác nhau sẽ khiến lượng cặn sữa bám trên lưỡi khác nhau. Nên trước khi chọn các rơ lưỡi cho trẻ các mẹ nên chú ý tới chế độ ăn, loại sữa được dùng cho bé nhé.
Sau khi đã biết rõ rồi thì chúng ta sẽ vệ sinh cho trẻ theo mức độ được chia theo 3 nhóm dưới đây:
Trẻ bú sữa mẹ 100%
Sữa mẹ không phải sữa pha, lượng cặn sữa đọng lại trên lưỡi bé sẽ ít hơn những loại khác. Nếu bé bú trực tiếp thì càng ít hơn vì lưỡi của bé sẽ cọ xát lên đầu ti của mẹ, hành động này sẽ hạn chế cặn bám trên lưỡi bé hơn. Vì vậy bạn không cần tiến hành rơ lưỡi quá thường xuyên, chỉ cần làm 2-3 ngày một lần hoặc 2 tuần một lần là được.
Trẻ bú sữa mẹ kết hợp sữa ngoài
Các loại sữa ngoài kể cả sữa pha hay sữa công thức sẽ không được như sữa mẹ mà chúng sẽ tạo cặn lên lưỡi của trẻ nhiều hơn, vì vậy nếu bé đang dùng chế độ ăn này thì nên rơ lưỡi hằng ngày. Và để hạn chế cặn bám trên lưỡi bé, các mẹ nên cho bé uống thêm nước để giữ khoang miệng sạch sẽ hơn.
Trẻ bú ngoài 100%
Như đã phân tích phía trên, các loại sữa ngoài, đặc biệt là sữa bột pha sẽ khiến cặn bám trên lưỡi bé nhiều hơn. Các mẹ nên chú ý vệ sinh lưỡi cho bé thường xuyên hơn, ít nhất khoảng 2 lần một ngày. Nếu không giúp bé rơ lưỡi thường xuyên, những bé này sẽ dễ bị tưa lưỡi, đen lưỡi, nấm miệng hoặc nghiêm trọng hơn là các tình trạng nhiễm khuẩn như viêm lưỡi, viêm họng. Từ đó không chỉ ảnh hưởng tới việc ăn uống của bé mà còn khiến sức khỏe của bé bị tác động theo.
Tùy theo loại sữa bé dùng và mức độ cặn bám để rơ lưỡi cho đúng – Ảnh minh họa: Internet
Rơ lưỡi cho bé đến khi nào?
Nên rơ lưỡi cho bé ít nhất tới khi bé thôi ăn sữa và đồ ăn dặm. Vì thời kỳ này là lúc bé bị bám cặn trên lưỡi nhiều nhất. Những thức ăn mềm và nhuyễn như vậy thường dễ bám vào khoang miệng và lưỡi hơn những đồ ăn khác. Nên gần như bạn chỉ cần cố gắng duy trì việc rơ lưỡi nhất trong thời kỳ này.
Nhưng nếu cơ địa bé dễ bị đóng cặn lưỡi thì bạn vẫn nên duy trì thao tác này vì đây không phải là một thói quen có hại. Tới khi trẻ đã được khoảng hơn 2 tuổi thì có thể dạy trẻ tự rơ lưỡi cho bản thân được. Nhưng đương nhiên những dụng cụ và cách thức dùng để rơ lưỡi phải an toàn và không có nguy cơ gây hại cho bé.
4 cách rơ lưỡi cho bé sạch bong kin kít
Cách rơ lưỡi bằng nước muối sinh lý:
Cách này áp dụng với trẻ sơ sinh từ 0 – 4 tháng tuổi.
Bước chuẩn bị:
– Một miếng gạc sạch đã được thanh trùng (các mẹ mua ở nhà thuốc)
– Nước muối sinh lý
– Bát nhỏ
Bước thực hiện:
Bước 1: Mẹ rửa tay sạch sẽ trước khi rơ lưỡi cho bé, cho nước muối sinh lý vào bát nhỏ.
Bước 2: Luồn miếng gạc để rơ lưỡi và ngón tay trỏ của mẹ chấm vào bát nước muối sinh lý.
Bước 3: Một tay mẹ bế bé tựa vào lòng chắc chắn và cẩn thận, tay có ngón tay đeo miếng gạc đặt vào miệng trẻ.
Bước 4: Rơ miệng cho trẻ từ 2 bên má, lợi rồi bắt đầu làm sạch vùng lưỡi, nếu thấy bẩn mẹ làm sạch miếng gạc với nước muối sinh lí.
Cách rơ lưỡi bằng lá cỏ mực hoặc lá rau ngót
Phương pháp này chỉ áp dụng cho bé trên 5 tháng tuổi.
Bước chuẩn bị:
– Một miếng gạc sạch đã được thanh trùng (các mẹ mua ở nhà thuốc)
– Vài lá cỏ mực hoặc lá rau ngót
– Muối
– Bát nhỏ
Bước thực hiện:
Bước 1: Lá cỏ mực hoặc lá rau ngót rửa sạch, ngâm 10 phút trong nước muối, vớt ra cho ráo nước.
Bước 2: Đun sôi lá cỏ mực hoặc lá rau ngót.
Bước 3: Vớt lá cỏ mực (hoặc lá rau ngót) ra và giã dập, chắt lấy nước cho vào bát nhỏ.
Bước 4: Mẹ rửa tay sạch sẽ trước khi rơ lưỡi cho bé. Luồn miếng gạc để rơ lưỡi và ngón tay trỏ của mẹ chấm vào bát nước lá rau ngót hoặc lá cỏ mực đã chuẩn bị ở trên.
Bước 5: Một tay bế trẻ an toàn trên tay, ngón tay có miếng gạc đặt vào miệng trẻ. Rơ miệng cho trẻ từ 2 bên má, lợi rồi bắt đầu làm sạch vùng lưỡi.
Rơ lưỡi bằng mật ong (Cho bé trên 1 tuổi)
Đây là phương pháp rơ lưỡi phổ biến được nhiều mẹ áp dụng nhất. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, chỉ nên rơ lưỡi bằng mật ong khi bé đã được 1 tuổi. Vì lúc này, hệ tiêu hóa của bé khá hoàn thiện, hạn chế tình trạng dị ứng, ngộ độc mật ong.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nếu sử dụng mật ong cho bé dưới 1 tuổi, bé có thể dễ dàng rơi vào tình trạng ngộ độc nặng vì chất clostridium botulinum có trong mật ong gây nguy hiểm cho hệ thần kinh.
Cách rơ lưỡi bằng mật ong như sau:
– Chọn mật ong rừng nguyên chất để rơ lưỡi cho bé.
– Quấn gạc sạch quanh ngón tay, nhúng vào mật ong và rơ khắp vòm miệng, cuối cùng là lưỡi.
Sau khi rơ xong, nhớ cho bé uống 1 – 2 thìa nước ấm để làm sạch miệng.
Dùng lá hẹ
Dùng lá hẹ rơ lưỡi được áp dụng cho những trẻ từ 5 tháng tuổi trở lên
Lá hẹ khá lành tính, nên với các bé từ 5 tháng tuổi trở lên mẹ có thể sử dụng lá hẹ để rơ lưỡi hàng ngày cho con theo các bước sau:
Bước 1: Rửa sạch lá hẹ, đem đun sôi. Sau đó vớt lá hẹ để cho ráo nước và giã nhuyễn.
Bước 2: Cho ít nước lá hẹ đã luộc vào, sau đó đem vắt lấy nước dùng rơ lưỡi cho bé.
Bước 3: Quấn gạc sạch quanh ngón tay trỏ đã được rửa sạch sẽ, nhúng vào nước lá hẹ và tiến hành rơ lưỡi cho trẻ theo thứ tự: 2 bên má, các vị trí quanh vòm miệng và cuối cùng là lưỡi.
Cách chăm sóc trẻ sơ sinh sau khi rơ lưỡi
Bề mặt lưỡi và khoang miệng trẻ sơ sinh chứa rất nhiều vi sinh vật, nếu miệng trẻ không được sạch sẽ và bị bao vây bởi tưa lưỡi sẽ làm cho trẻ khó duy trì sức khỏe răng miệng, đồng thời còn ảnh hưởng tới quá trình mọc răng của trẻ.
Chính vì thế, sau khi đã rơ lưỡi cho trẻ sơ sinh, cha mẹ cần chú ý đến việc vệ sinh miệng hàng ngày cho trẻ. Các bước vệ sinh miệng cho trẻ sơ sinh như sau:
Bước 1: Rửa tay sạch.
Bước 2: Đặt trẻ nằm trên giường hay bế trẻ.
Bước 3: Quấn gạc quanh ngón trỏ hoặc đeo gạc tưa lưỡi hình ống.
Bước 4: Nhúng ẩm gạc bằng dung dịch NaCl 0.9% hoặc nước đun sôi để nguội.
Bước 5: Chạm nhẹ vào môi dưới của trẻ để trẻ mở miệng.
Bước 6: Nhẹ nhàng lau vòm miệng và massage nướu trẻ trước.
Bước 7: Đặt ngón tay vào trong gốc lưỡi kéo ra phía ngoài để loại bỏ cặn sữa.
Lưu ý: Nên thực hiện việc vệ sinh miệng cho trẻ sơ sinh đều đặn 2 lần/ngày.
Sau khi rơ lưỡi cho trẻ sơ sinh thì nên ăn gì ?
Với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi, nguồn thức ăn duy nhất chính là sữa mẹ. Vì thế, sau khi rơ lưỡi cho con, mẹ vẫn nên cho trẻ bú sữa bình thường theo nhu cầu của bé.
Những lưu ý khi rơ lưỡi cho trẻ sơ sinh
Rơ lưỡi cho trẻ sơ sinh là cách hữu hiệu để loại bỏ mảng bám bên trên lưỡi, tuy nhiên, để thực hiện các phương pháp này cha mẹ cần lưu ý:
Sử dụng nước muối sinh lý sẽ an toàn cho trẻ sơ sinh nếu chẳng may bé nuốt trong quá trình vệ sinh lưỡi.
Không nên sử dụng mật ong vệ sinh lưỡi cho trẻ dưới 1 tuổi. Trong mật ong có chất clostridium botulinum có thể gây nguy hiểm cho hệ thần kinh của bé. Ngoài ra, hệ tiêu hóa của trẻ còn khá non nớt, vì thế bé có thể bị dị ứng hoặc ngộ độc vì chất này.
Nên lựa chọn các loại gạc mềm và đảm bảo gạc đã được làm ẩm khi thực hiện rơ lưỡi cho con.
Trong lúc rơ lưỡi, nếu bé bị đau hoặc khó chịu, mẹ nên dừng lại.
Không đưa ngón tay vào sâu trong miệng của trẻ vì có thể khiến trẻ bị nôn trớ.
Thời điểm tốt nhất để rơ lưỡi cho trẻ sơ sinh là vào buổi sáng, sau khi bú khoảng 2 tiếng. Không rơ lưỡi cho trẻ trước thời gian này vì bé rất dễ bị nôn khan. Cũng không nên rơ lưỡi khi trẻ vừa bú xong vì bé sẽ dễ bị ọc sữa.
Hy vọng với những thông tin về bài viết chia sẻ bí quyết rơ lưỡi cho trẻ sơ sinh an toàn, chuẩn khoa học sẽ giúp được các mẹ có thể chăm sóc bé yêu của mình được phát triển tốt nhất.